Trong khi Bkav khẳng định, trong năm 2012, doanh số bán phần mềm diệt vi rút Bkav chiếm hơn 85% thị phần thì Kaspersky cũng cho rằng, họ mới là phần mềm diệt vi rút số 1 khi chiếm hơn 50% thị phần.
Bình chọn theo kiểu "trưng cầu dân ý"?
Theo kết quả bình chọn "Sản phẩm An toàn thông tin được người dùng ưa chuộng nhất" vừa được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) công bố trong khuôn khổ Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2012 diễn ra hôm 23/11, phần mềm diệt vi rút Bkav tiếp tục giữ vị trí quán quân năm thứ 4 liên tiếp, xếp sau đó là Kaspersky và Symantec. Cuộc bình chọn “Sản phẩm An toàn thông tin được người dùng ưa chuộng nhất” có mục đích tư vấn cho người dùng lựa chọn sản phẩm hiệu quả, phù hợp và được tiến hành bình chọn theo phương thức trực tuyến qua website www.pcworld.com.vn. Đối tượng bình chọn là sản phẩm, công cụ, giải pháp, dịch vụ an toàn thông tin thuộc 17 hạng mục.
Trước đó, ngày 5/9, Kaspersky Lab nhận được bình chọn phần mềm diệt vi rút tốt nhất Việt Nam do tạp chí PC World bình chọn từ 20.000 bạn đọc tham gia từ 11/6 - 15/7/2012. Theo đó, tỉ lệ bình chọn của người tiêu dùng dành cho Kaspersky Lab trong năm 2012 là 47%, vượt qua phần mềm diệt vi rút đứng thứ 2 với tỉ lệ bình chọn chỉ có 24%. Như vậy, 4 năm liên tục bạn đọc PC World Việt Nam đã bình chọn cho Kaspersky Lab là sản phẩm ưu chuộng nhất (2009 - 2012). Bên cạnh đó, Kaspersky Lab cũng vừa nhận được giải thưởng Best Choice CIO&CEO Việt Nam 2012 với tỉ lệ bình chọn là 47,8% và 5 năm liên tục (2008-2012) nhận được giải thưởng của các chuyên gia CNTT bình chọn.
Với kết quả này, đã có rất nhiều ý kiến thắc mắc về việc tại sao Bkav và Kaspersky lại liên tiếp thống trị một giải thưởng và liệu có điều gì mâu thuẫn giữa các giải thưởng hay không. Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Bkav cho biết, sự khác nhau giữa kết quả 2 cuộc bình chọn là do khác nhau về kênh quảng bá. Cụ thể, cuộc bình chọn của PC World được đưa lên các diễn đàn và phần lớn thành viên đều là những người có kiến thức về CNTT. Còn đối tượng VNISA khảo sát lại là người dùng cá nhân, doanh nghiệp không chuyên về CNTT. "Những người sử dụng Bkav đa số đều là những người sử dụng bình thường nên mới dẫn đến kết quả như vậy", ông Sơn cho biết thêm.
Còn theo Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành NTS - nhà phân phối độc quyền sản phẩm Kaspersky Lab tại Việt Nam, cuộc bình chọn của PC World và Best Choice CIO&CEO Việt Nam 2012 mà Kaspersky dành ngôi vương đều được thực hiện với tiêu chí và tỉ lệ rõ ràng. Cụ thể, cuộc bình chọn của PC World không phải được thực hiện qua kênh diễn đàn như thông tin Bkav đưa ra mà thông qua phiếu bình chọn in trong các số báo giấy. Sau đó, bạn đọc nhập mã phiếu bình chọn trên website và tiến hành điền mẫu bình chọn.
Trong khi đó, với cuộc bình chọn của VNISA, NTS không nắm được phương thức bầu chọn như thế nào và Kaspersky được tỉ lệ bao nhiêu nên không thể đánh giá được tính chính xác hay có mâu thuẫn gì với kết quả của PC World và Best Choice CIO&CEO Việt Nam hay không?
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật, kết quả bình chọn của các giải thưởng phụ thuộc rất lớn vào tiêu chí đặt ra, phương pháp lựa chọn và đối tượng bình chọn. Do đó, nếu giải thưởng được bình chọn bởi người dùng cá nhân, các phần mềm diệt vi rút đơn giản, dễ sử dụng, thường được tặng miễn phí trên các diễn đàn, phần mềm bẻ khóa được bán tràn lan hay xuất hiện nhiều trên truyền thông sẽ chiếm vị trí áp đảo so với những phần mềm còn lại. Đó là chưa kể đến nếu cuộc bình chọn thực sự chỉ có vài trăm lượt người tham gia trong số hàng nghìn lượt truy cập hay số phiếu được in ra thì sẽ không thể đại diện được cho bức tranh thị trường phần mềm diệt vi rút ở Việt Nam. Các cuộc bình chọn hiện nay chủ yếu theo phương thức “trưng cầu dân ý” dựa trên cảm tính từ các đối tượng khác nhau và trình độ không đồng đều, thay vì nên có các phòng labs kiểm nghiệm trên những mẫu vi rút thực tế hoặc phân loại rõ các đối tượng tham gia, có bao nhiêu người đã bình chọn.
Bkav, Kaspesky đều cho rằng mình là số 1
Về thị phần phần mềm diệt vi rút ở Việt Nam, ông Sơn cho rằng, Bkav vẫn đang ở vị trí áp đảo so với các đối thủ khác. 11 tháng đầu năm 2012, doanh số của Bkav đã tăng 50% so với cùng kì năm trước. Cuối năm 2011, Bkav đã tiến hành một đợt khảo sát mới về thị phần phần mềm diệt vi rút có bản quyền ở Việt Nam thông qua số lượng nhập hàng và kích hoạt của các đại lí, siêu thị lớn nhất trên toàn quốc, là đối tác của Bkav, đồng thời cũng là đại lí bán các phần mềm diệt vi rút khác... Dù chưa thể tiết lộ chính xác kết quả nhưng con số này lớn hơn con số 85% mà Bkav đã khảo sát và công bố cuối năm 2009. Vì vậy, theo ông Sơn, con số thị phần năm nay của Bkav không loại trừ khả năng còn cao hơn so với năm 2011.
Còn theo ông Vũ, dù NTS cũng có số liệu về thị trường của Kaspersky ở Việt Nam nhưng do không phải số liệu của công ty nghiên cứu thị trường độc lập nên NTS không thể công bố được. “Kết quả kinh doanh từ đầu năm của NTS cho thấy, đối với sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân, Kaspersky chiếm hơn 50% thị phần”, ông Vũ khẳng định.
Trước đó, cuối năm 2011, phóng viên ICTnews đã tiến hành khảo sát tại Công ty Tin học An Phát (nơi nhập phần mềm Bkav về các tỉnh khu vực miền Bắc) và Siêu thị máy tính Trần Anh (so với công ty máy tính đứng thứ 2, Trần Anh có quy mô bán máy gấp từ 5 đến 6 lần). Kết quả cho thấy, ở An Phát, trung bình mỗi tháng, đơn vị này bán được khoảng 3.000 - 4.000 bản Kaspersky, lượng bán của Bkav cao hơn Kaspersky từ 10% - 15%. Còn với Trần Anh, mỗi ngày đơn vị này bán được khoảng 10 - 15 sản phẩm Bkav và từ 7 - 10 sản phẩm Kaspersky. Tỉ lệ phần mềm diệt vi rút bán ra ở Trần Anh là Bkav chiếm 55%, Kaspersky chiếm 43%, 2% còn lại thuộc về những phần mềm khác như Norton, Avira…
Như vậy, xem ra nếu không có một đơn vị độc lập thứ 3 đứng ra tiến hành khảo sát thì câu chuyện "Ai là số 1" trên thị trường phần mềm diệt vi rút còn là cuộc tranh cãi dài dài.
Phần mềm diệt vi rút nào là số 1 trong năm 2012?
BKAV
15% (143 phiếu)
Kaspersky
58% (567 phiếu)
Phần mềm khác
27% (260 phiếu)
Tổng số phiếu: 970
Theo ICTnews